Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Làm thế nào để lấy đô la?


Nhận được thư của 2 bạn, nói doanh nghiệp bạn xưa nay chỉ bán trong nước, nhờ đọc bài viết này mà bạn mới lọ mọ search người mua trên internet và mời họ sang tham quan cơ sở sản xuất (1 guốc gỗ đi Nhật, một sx mũ vải) . Và cơ sở guốc gỗ đã kiếm lãi 25000 usd chỉ với 1 lô hàng, bán cho Tây thì thanh toán là L/C, không nợ nần gì, giá lại cao, bạn nói để kiếm 500 triệu nếu bạn nội địa, bạn phải bỏ mối ở các điểm du lịch trong 6 tháng.
Bán hàng cho Tây tuy dễ nhưng rất vất vả vì phải đủ các xét nghiệm an toàn họ mới nhập, nhiều công đoạn quản lý chất lượng và gửi mẫu tới lui...
Chúc các bạn giao thương tự tin với 7 tỷ người ngoài kia. Thị trường mênh mông, mênh mông
-----------------------------
Làm thế nào để lấy đô la?
(viết cho sinh viên kinh tế thương mại và du lịch)
Thống kê đến năm 2011, người tốt nghiệp ĐH cao đẳng chỉ có gần 8% (xem link ở comment)/dân số. Như vậy, với dân số 90 triệu, chúng ta chỉ có 7 triệu lao động đã qua đào tạo, tức những người vô cùng giỏi giang thông tuệ, biết ngoại ngữ, có tư duy tổng hợp và phân tích, có nhiều kiến thức chuyên môn và kiến thức phổ thông. Tuy nhiên nhiều bạn đã thất nghiệp do trong quá trình học tập đã không cố gắng, khi ra trường hoặc ăn bám bố mẹ hoặc làm các việc lao động phổ thông như công nhân, giao hàng, cạnh tranh khốc liệt với các bạn chưa qua đào tạo, rất tội nghiệp họ.
Rồi khởi nghiệp cũng vậy, nhiều bạn chọn cách buôn bán trong nước hoặc nhập khẩu về bán. Mua hàng chợ huyện lên chợ tỉnh bán, mua hàng tỉnh A sang tỉnh B, xuống Phan Thiết lấy mắm đóng chai lên Sài Gòn phân phối, hoặc ra chợ Tân Thanh ở biên giới Lạng Sơn mua cái chăn giá 30,000 đồng về Hà Nội bán 50 nghìn, lãi 20 nghìn. Chi vậy? Người ta không có điều kiện ngồi vào giảng đường, mặc áo sinh viên, mù ngoại ngữ…mới làm ăn trong nước như vậy, mình được đào tạo thì phải nghĩ hướng xuất khẩu hàng hóa, chất xám của mình ra ngoài, kiếm đô la về. Hoặc đưa khách nước ngoài vào Việt Nam, cho nó coi cái này cái kia rồi thu tiền đô la của nó. Việc mua cà chua ở Đà Lạt ra Đà Nẵng bán, dù mình có chút xíu tiền nhưng GDP quốc gia không thay đổi, chỉ thêm 1 thương lái cạnh tranh với chị Mít chị Na. Chừa đất cho người ta sống đi. Hay mở quán cà phê mấy mét vuông, quán phở lèo tèo vài ba khách, chân gà nướng vỉa hè, bánh tráng trộn lề đường...thì người không cần ngồi giải mấy bài vi phân đạo hàm vẫn mở được và còn mở tốt. Nếu làm thì mở chuỗi cà phê, chuỗi phở kia mới bõ công học hành.
Nhập khẩu hàng tiêu dùng về bán thì làm dòng ngoại tệ lại chảy ra ngoài. Sản xuất hàng hoá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu là cốt lõi của nền kinh tế thịnh vượng, hướng tới thị trường thế giới. Xuất khẩu, dù là sản phẩm hữu hình hay vô hình (bằng sáng chế, thiết kế, công trình khoa học, phần mềm ứng dụng)… sẽ là cách làm giàu bền vững. Tổ chức tour tham quan cho khách nước ngoài, làm cho khách nước ngoài ùn ùn kéo đến Việt Nam, chi tiêu ăn uống, rút hầu bao ra giúp người mình càng giàu có hơn, chị bán xôi đến chú xe ôm đều có thêm tiền. Đó mới là đẳng cấp của người tốt nghiệp Đại học khi khởi nghiệp. Đại là lớn, đại học là cấp bậc cao cấp vô cùng của sự học.
Người Thái cũng có tỷ lệ ĐH/Cao đẳng trên dân số là 8%. Nhưng các bạn trẻ người Thái đã HỌC theo tinh thần “lấy tiền của Tây” nếu học ngành kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch. Cứ vào một siêu thị Á châu ở Mỹ, Úc, Âu…mở một chai nước cốt dừa ra là thấy Made in Thailand. Vào siêu thị ở Thượng Hải, Seoul, Tokyo…thấy vải, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt…thì 100% Produce of Thailand (produce có nghĩa là nông sản, danh từ). Sinh viên kinh tế Thái xuống các farm nói với bà con nông dân bên đó là bà con cứ sản xuất đi, tụi con xuất khẩu cho. Tụi con là trình độ đại học cơ mà, cử nhân thạc sĩ chứ đâu phải chơi. Con sẽ giúp bà con thay vì bán 1kg măng cụt ở Băng Cốc có 40 baht, sẽ xuất qua châu Âu và đem về 20 USD cho bà con. Giá trị gấp chục lần. Vùng ôn đới xứ lạnh có trồng được gì đâu ngoài táo, nho, cherry, lê…trong khi khí hậu nhiệt đới của mình là thiên đường của hàng trăm loại trái cây, rau củ quả…
Còn Singapore, thắng cảnh chẳng có gì nên họ xây dựng công viên vui chơi, những trung tâm mua sắm … để hàng năm gần 30 triệu du khách ghé thăm, dù dân số thường trú của họ chỉ có 3 triệu. Người dân nước họ ai cũng hết lòng phục vụ du khách, để cho 30 triệu khách nước ngoài sang ăn xài cảm thấy thoải mái và chi tiền nhiều hơn, làm 3 triệu người họ giàu có hết biết.
Từ bài viết này, TnBS sẽ đăng các bài viết giúp các bạn cách tiếp cận để xuất khẩu, cách giao dịch hợp đồng ngoại thương, đàm phán bán hàng…song song với các bài viết giúp các bạn tổ chức hoạt động quảng bá du lịch để có thể tự tin thu hút khách Tây sang.
Bài viết sẽ có nhiều đoạn dùng thuật ngữ tiếng Anh, các bạn phải có một trình độ Anh ngữ nhất định để theo dõi. Và điều kiện đọc các bài viết này là các bạn phải có đủ đạo đức, không nói dối, không phết phẩy ma lanh, phải uy tín, hào sảng, văn minh và có tầm nhìn xa trên 10km để làm ăn lớn. Thế giới phẳng rồi. Internet làm cho mọi khoảng cách địa lý không có ý nghĩa gì nữa. Chúng ta phải nhanh chóng làm ăn quốc tế, quốc tế và quốc tế!
TnBS
https://www.facebook.com/TonyBuoiSang/posts/1079404678779057

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Thành đạt, thành công và thành gì nữa?

Thành đạt, thành công và thành gì nữa?
Sáng nay Tony đọc được một bức thư dài của chị Bình, ở Nghệ An. Những dòng chị viết làm Tony thấy cay xé mắt, được sự đồng ý của chị, Tony xin kể lại câu chuyện trên.

Chị có một đứa con trai, tên A. Con chị từ lớp 1 đến lớp 12 chơi thân với B, một cậu hàng xóm, cùng học chung lớp. Bố B làm sếp cơ quan chị. A và B học rất giỏi, là niềm hãnh diện của chị và bố B mỗi lần họp phụ huynh hay tán gẫu ở cơ quan. Chị luôn xem bảng điểm học bạ của 2 đứa, và lúc nào cũng ép, không được môn nào học dở hơn B và ngược lại, bố B cũng như vậy. Hai đứa trẻ chơi vô tư, nhưng bố mẹ của chúng thì không.

Vừa nhận được điểm thi đại học mới đây, con chị đỗ, còn B trượt. Chị nói tự nhiên trong lòng có cảm giác “ con mình thi đậu không vui bằng con hàng xóm thi rớt”, chị mở tiệc khao rất lớn, mời hết thầy cô bạn học về nhà. Mặc dù A phản đối gay gắt tiệc khao này nhưng chị đã quyết, và mời hết cơ quan chị về chơi luôn, đãi 2 suất, trưa và tối. Dĩ nhiên là có mời B và gia đình nhưng họ không đến.

Chị nói tiệc diễn ra hết sức xôm tụ tuy con chị không vui. Cơ quan ai cũng chúc tụng chị, ai nấy hả hê vì bố B vốn là một sếp khó, luôn miệng nói này nói kia trong khi con mình đã trượt đại học, chẳng ra gì. Chị ra chợ cũng vậy, gặp ai cũng kể chuyện thằng A chuẩn bị đi lên Hà Nội, mua cái này cái kia cho nó mang đi. Có lần chị gặp mẹ B cũng ra chợ mua đồ, mẹ B thấy chị liền lấy nón che mặt. Gặp mẹ B, chị hàng thịt cũng hỏi, chị hàng rau cũng hỏi, dù biết mười mươi là B đã trượt, chỉ để cho mẹ B đau đớn hơn.

Khi biết tin B trượt, bố B hoảng loạn, khủng bố tinh thần B gần như mỗi ngày. Bố B lên cơ quan là vô phòng riêng, không nói không cười với ai. Mẹ B thì đóng cửa, không sang giao lưu với hàng xóm. Trong nhà là tiếng chì chiết, tiếng khóc than. Chị nói nội ngoại 2 bên cũng sang, mắng B là đồ vô tích sự, đồ bã đậu, nhục nhã cho dòng họ, và lôi A ra để làm ví dụ. Chị nói cơn bực tức lên tới đỉnh điểm khi mẹ B bảo mày qua nhà thằng A “mà đội quần nó”, mấy người cạnh nhà nghe lén rồi sang kể cho chị nghe.

Chuyện không có gì là ầm ĩ nếu không phải cách đây 2 hôm, B ăn cắp mấy triệu đồng trong nhà, và bỏ nhà đi đâu mất. Bố mẹ B đang chạy dáo dác đi tìm nhưng vẫn chưa rõ tung tích. Chị tình cờ đọc được bài viết “cái chết của Chu du” trên TnBS, về thói đố kỵ của người châu Á và cảm thấy mình có lỗi, nên viết thư kể lại cho Tony nghe.

Tony xin phép thưa với chị như thế này. So sánh chưa bao giờ là phương pháp tốt trong giáo dục. Người ta chỉ sử dụng kế “ khích tướng” trong trường hợp rất đặc biệt, nếu không sẽ gây tác hại kinh hoàng. Không ai được phép làm tổn thương những đứa trẻ mười mấy tuổi như vậy. Giáo dục với lối so sánh, xếp loại thủ khoa, á khoa, chót bảng thời phong kiến với lối Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, giờ văn minh rồi, sao vẫn như xưa?

Trong một lớp 40 bạn, cứ cuối tháng cuối năm, giả sử bạn A đứng nhất lớp, bạn Z đứng 40/40, thì sẽ gây ra hiện tượng A bị bệnh chảnh, cảm thấy mình giỏi hơn người, sau này khó thành công, giỏi trong lớp đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Còn bạn Z cứ bị xếp 40/40, dần dần sẽ mặc cảm, thấy mình vô dụng và bỏ học. Bạn Tony từ cấp 1, cấp 2, những bạn bị xếp loại như vậy đều bỏ học ở nhà nửa chừng để đi gánh lúa, vì nghĩ là mình không học được. Một giáo dục nhân văn phải XOÁ BỎ ngay hình thức xếp loại này, vì sẽ làm tổn thương các đứa trẻ.

Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, mặc dù rất tiên tiến nhưng giáo dục ở đây vẫn bị ảnh hưởng tư tưởng hơn thua gay gắt của người phương Đông. Nhiều bạn trẻ Hàn Quốc đã phải tự tử vì không chịu nổi áp lực so sánh với bạn bè, theo những tiêu chuẩn thành công gì đó của cha mẹ muốn. Trong khi một đứa trẻ khác nhau là khác nhau, 7 tỷ dân trên quả đất không ai có y hệt dấu vân tay, y hệt cấu trúc gen. Đứa có 2 tỷ nơ-ron thần kinh và đứa chỉ có 1 tỷ, đứa cao đứa thấp, đứa trắng đứa đen. Trời đất đã sinh ra chúng khác nhau, hà cớ gì chỉ lấy một tiêu chuẩn kiến thức (loài người xưa nay nghĩ ra, hữu hạn) để xếp loại? Giải nhất quốc gia thì chỉ là đứa thi cử chữ nghĩa giỏi nhất trong tập hợp mấy triệu học sinh đó, không có ý nghĩa gì với 7 tỷ nhân loại, trừ nó có phát minh cái gì đó đặc biệt. Tương tự nếu bạn là thủ khoa đại học hay sinh viên trường top ở một quốc gia nào đó, nếu bạn chưa có đóng góp gì cho văn minh nhân loại thì hãy khiêm tốn cúi đầu. Thành tích không có ý nghĩa gì. Thành tựu mới là cái đáng trân trọng. Và thành nhân là mục đích tối thượng của con người.

B không giải được bài toán đại số nhưng nó có giọng hát thiên phú, nó hoàn toàn có thể kiếm sống mà không xin xỏ ai. D không hiểu vì sao phải đạo hàm hay vẽ đồ thị f(x3) nhưng nó có thể chạy 20km không mệt. Thì hãy tôn trọng từng cá thể, vốn sinh ra công bằng dưới trời đất này. Đừng bao giờ so sánh chúng với ai, và chúng ta cũng vậy. Giàu, nghèo, thành đạt, hạnh phúc, …chỉ là những khái niệm ĐỊNH TÍNH, vô tận vô cùng. Tôi có 3 tỷ là giàu nhưng anh kia nói chỉ có 1 trăm triệu là vương giả, năm sau tôi đạt được mức trên và giàu có bây giờ phải 10 tỷ. Khi mới sinh ra, 1 đứa trẻ biết không tè không ị vô quần là thành đạt. Và đua tranh ganh ghét người khác cả đời, đến 90 tuổi mới nhận ra thành đạt cũng chỉ là tự chủ trong tiêu tiểu.

Tôi là Nguyễn văn B, tôi có những giá trị riêng của tôi, “giá trị Nguyễn Văn B”. Cái câu cửa miệng của nhiều người “nhìn lên thì không bằng ai, nhìn xuống cũng không ai bằng mình” là một triết lý nhảm nhí của người châu Á.

Đường mình mình đi, mắc mớ gì cứ nhìn với ngó?

Về học và nghề nghiệp ngành du lịch

Về học và nghề nghiệp ngành du lịch
Nếu bạn có ngoại hình ngon lành cành đào, cao ráo vui vẻ, lúc nào cũng tươi cười, thích phục vụ người khác, thấy người khác hạnh phúc...làm niềm vui của mình, thì DU LỊCH chính là nghề bạn nên để ý.
Công nghiệp không khói này càng ngày càng phát triển. Nhu cầu bậc cao của con người, người ta càng chú trọng du lịch. Chăm sóc bữa ăn giấc ngủ của du khách là một nghề rất thú vị.
Học du lịch, nên chọn các trung tâm du lịch lớn. Vì ở đó có cơ hội thực tập với khách quốc tế. Nha Trang là số 1 về lượng khách quốc tế, Bình Thuận Mũi Né, Huế, Đà Lạt, Đà Nẵng, Hà Nội, Tp HCM, Cần Thơ, Quảng Ninh, Lào Cai...là những nơi nếu mình chọn học, sẽ có nhiều chỗ thực tập. Còn nếu không đến được các địa phương này thì mình cứ học ở tỉnh của mình cũng được, PHẢI rèn Anh ngữ thật giỏi, lúc thực tập thấy mình giỏi giang khỏe mạnh là người ta nhận ngay. Thực tập cho sinh viên du lịch bây giờ không giới hạn trong nước mà còn các nước khác nữa, đừng ngại.
Nhưng nhớ, làm du lịch là bạn phải đam mê, không phải vì kiếm tiền chụp giật. Và đó là hình ảnh của một quốc gia trong mắt du khách, nên các bạn tham lam, tiểu nông vụn vặt, có sở thích ăn chặn ăn bớt, thò thò thụt thụt, hay tính tình cáu bẳn nhăn nhó như con khỉ, mặt mũi đăm đăm cái gì cũng khó chịu, hay sĩ diện hão không muốn hạ mình phục vụ người khác vì sợ mất giá trị gì đó, thì không nên chọn ngành này. Các bạn có thể học thêm bằng ĐH tiếng Anh tại chức hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Tiếng Anh bằng chính quy không có ý nghĩa gì nếu nói nghe không được.
Chúc ngành du lịch VN chọn được nhiều nhân tài. Đẹp người đẹp nết đẹp tâm hồn.

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Chuyện lúc 21h45 phút

Ghé tầng 16 trong một toà cao ốc ở quận 1 có việc, thấy có 3 công ty giờ này còn sáng đèn. Cả 3 đểu là công ty Singapore.

Đứng đợi thang máy, có một cậu nhân viên người Sing cũng đang đứng đợi, Tony bèn hỏi sao tụi mày làm việc kinh thế, tiền bạc đâu có mua được hạnh phúc, theo cách nói an ủi của mình xưa nay khi thấy ai ham làm. Cái nó cười nói "nhưng tiền thì mua được điều kiện để có hạnh phúc, còn hạnh phúc hay không thì tuỳ mày cảm nhận. Với tụi tao, tiền mua được các gói chăm sóc y tế tốt nhất, các chương trình giáo dục tiên tiến nhất, đi được nhiều nơi trên trái đất nhất, ăn những gì ngon nhất, mặc những gì đẹp nhất, giúp đỡ những nước nghèo nhiều nhất...và về già thì không phải lo nghĩ gì về mưu sinh nữa".

Cái thang máy mở cửa, Tony bước ra ngoài, thẩu thẩng quay thung (nhức đầu đau bụng) vì nó nói tiếng Anh cứ lơ lớ tiếng Hoa. Có mấy phút mà bị nó "thuốc" nên giờ lại ghé công ty làm nốt cái báo giá khách hàng chiều bỏ dở đi nhậu....

P/S: Người Singapore dù chỉ có 5.5 triệu người nhưng đã làm ra của cải trên cái đảo nhỏ xíu ấy có giá trị tới 300 tỷ đô la, so với 100 triệu người Philippines chỉ tạo được 200 tỷ đô cho đất nước họ (GDP). Điều kiện quốc đảo, được Phương tây hỗ trợ mọi mặt, tiếng Anh thành thạo như nhau...nhưng một bên nghĩ lớn, làm chủ, làm việc điên cuồng, chỉ nghĩ đến công việc và đầu tư; còn một bên nghĩ nhỏ, làm thuê, an phận, ăn uống hát hò suốt trên truyền hình, quán bar. Và kết quả những người già Singapore tới tuổi hưu đi du lịch khắp nơi, và những người già Phillippines vẫn cần mẫn trên những cánh đồng chuối, dứa. Tuổi trẻ không biết làm nhiều, nghĩ lớn,để dành cho tuổi già thì khổ chứ trách ai.

Như vậy, chìa khoá mấu chốt của mỗi cá nhân thành đạt, mỗi gia đình sung túc, mỗi xã hội phồn vinh chính là mỗi cá nhân làm việc hết sức mình, làm thêm, nghĩ lớn.

Hôm nay, bạn sẽ làm mấy tiếng đồng hồ? Có muốn nhảy việc sang công ty khác trả hơn 1 triệu tức 50 USD không?

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Tủ sách, tủ rượu và tủ lạnh

Tủ sách, tủ rượu và tủ lạnh
Năm ngoái có một bạn mua cuốn sách Cà Phê cùng Tony về, ngồi đánh máy lại mất mấy ngày, làm ebook rao bán. Bán mãi không được, hoá ra các bài đều có trên fb, bạn tưởng như sách khác. Bạn gửi mail cho Tony, mail đầu nói sao anh ngu thế, đăng hết lên mạng thì in sách ai mua? Mấy ngày sau, nhận thức thay đổi, lại gửi mail xin lỗi nói em đọc xong, thấy xấu hổ quá, từ nay xin chừa, thôi không khôn nữa.

Hôm đứng trong cửa hàng photocopy trước cổng trường 1 ĐH lớn, Tony thấy các bạn nói nhau "một đứa mua sách của thầy thôi, đem ra photocopy cho cả nhóm, tiết kiệm cả 8 nghìn đồng/cuốn". Tony nhìn thấy thấy chữ nhoè nhoẹt nhưng mặc kệ, lãi 8000 đồng tức 40 cents vẫn làm. Nhiều thầy cô xuất bản giáo trình, phải in 1000 cuốn mức tối thiểu của Nxb nhưng chỉ bán được có vài ba cuốn gọi là, vì có một số sinh viên mang tiếng là đại học nhưng luôn có ý nghĩ "ngu gì mua sách bản quyền", bất chấp tình cảm và đạo đức. Rồi lại thấy một số bạn vô photocopy thành những tờ be bé nhằm quay bài, trí tuệ mắt mũi chân tay huy động để đối phó với giám thị. Năng lực không có nên mọi giá phải có tấm bằng để có thể sinh sống được. Nhìn gương mặt cả chục đứa khôn quắt queo trên con đường trở thành trí thức, thấy ớn quá chừng.

Các bạn trẻ tập thói quen hào sảng bằng cách mua sách giấy có bản quyền, không "khôn vặt tiểu nông", tìm cách bẻ khoá lấy ebook ra đọc. Cái gì miễn phí là bu lại, giành giật thì mình tránh xa. Họ không khả năng kiếm tiền mới bu vô chỗ miễn phí ấy. Mình muốn sở hữu cái gì thì bỏ tiền ra, của cho là của nợ. Có năng lực là tự làm. Tự học. Tự lập. Tự kiến lập sự nghiệp và nhân cách.

Đừng lấy không của người khác, trừ khi mình là thiếu nhi, người già, người tàn tật, được phép. Tư tưởng "yêu thích miễn phí, nếu không miễn phí thì âm thầm ăn cắp" làm mình nhỏ bé tiểu nông mãi. Mình mua bản gốc như là một cách tri ân trí tuệ công sức của tác giả. Không photo giáo trình nữa, công thầy cô biên soạn, công nhà in và đơn vị phát hành. Mua còn để lưu trữ mai sau, tạo thành tủ sách của gia đình. Con cái lớn lên, qua nhà bạn bè chơi, về hỏi ủa sao ba mẹ cũng biết chữ không đọc sách? Sao nhà mình không có tủ sách mà chỉ có tủ quần áo, tủ rượu và tủ lạnh? Sao nhà mình chỉ chú trọng ăn và uống? Sao nhà mình chỉ có phòng ăn, phòng ngủ, phòng tắm mà không có phòng đọc sách? Sao nhà mình mọi hoạt động cứ xoay quanh các nhu cầu cơ bản như ăn, ngủ rồi tắm? Rồi lại tắm rồi lại ăn, rồi lại ngủ?

Dù ở phòng trọ, cũng tự tạo 1 góc văn hoá đọc cho chính mình.
Hãy tạo một ngôi nhà đúng nghĩa. With a home library, một thư viện gia đình, tại sao không?

P/S:.Bạn có bắt tay vào làm ngay hay cũng "bữa nào sẽ làm" rồi quên mất như hàng trăm dự định mãi mãi là dang dở?

Tích & phân

Rất nhiều nước như Nhật, Hàn Sing, Phi, Thái, Mã, Âu, Mỹ...đều đã giảng dạy Kinh tế học cơ bản cho học sinh phổ thông. Từ lớp 5 đã có môn “em học kinh tế” với các ví dụ đơn giản về việc bỏ ống heo (lợn đất), mua sắm đồ dùng trong nhà, chi phí ăn uống tiền điện tiền nước...Lên cấp 2, cấp 3, những khái niệm trừu tượng hơn như lạm phát, cung cầu..sẽ được thảo luận, học sinh phải nắm được 51 khái niệm kinh tế học căn bản trước khi tốt nghiệp tú tài. Nên lớp 12 xong, có thể đi làm ở các công ty, cũng có thể tự mở 1 quán ăn nhỏ kinh doanh mà không phải vật lộn với quản lý, nắm vững được các nghiệp vụ kế toán đơn giản, giải được bài toán doanh thu, chi phí và lợi nhuận, biết làm marketing và thuê mướn lao động. Có thể tham gia chơi chứng khoán, đầu tư, và đọc báo hiểu hết mọi khái niệm từ GDP đến thắt chặt tiền tệ, kích cầu...

Ở Việt Nam, Tony nghĩ cũng nên dạy môn kinh tế ứng dụng từ năm lớp 9. Giáo viên là các bạn tốt nghiệp đại học kinh tế, học thêm nghiệp vụ sư phạm là dạy vô tư. Có rất nhiều bạn trẻ học xong lớp 9 mà không có điều kiện học lên, nhất là ở nông thôn, và hàng năm có hơn 1 triệu thí sinh đại học cao đẳng, nhưng chỉ có 5 trăm ngàn chỉ tiêu trong giảng đường. Do đó việc cung cấp kiến thức kinh tế học ứng dụng sẽ giúp xã hội có thể có nhiều công ăn việc làm hơn, các bạn có thể tự mình mở ra các cơ sở sản xuất kinh doanh nếu chọn con đường lập thân không phải là đại học.

Theo quan điểm của Tony, sách giáo khoa của mình phải cắt giảm nội dung tất cả các môn, chỉ giữ lại 1/2 thôi, khỏi đổi mới chi cho tốn tiền, các kiến thức trong SGK của mỉnh rất rất hay, nhưng quá sức nặng đối với những bộ não 16-17 tuổi ở giai đoạn chưa phát triển hoàn chỉnh. Người có trí nhớ xuất sắc và logic như Tony mà đến giờ vẫn ám ảnh áp lực bài vở và thi cử, vẫn nằm mơ ngày mai đi thi mà không có chữ nào trong đầu, giật mình thức giấc miết vì sợ.

Tony hiểu vì sao các bác giáo sư tiến sĩ soạn sách đã phải soạn nhiều như vậy. Rất là tâm huyết và đáng trân trọng. Vì ngày xưa, kiến thức rất khó tìm. Chỉ nằm trong thư viện các trường đại học lớn và người ta phải nhớ mọi thứ. Muốn học bậc đại học, phải lên Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ...Học sinh nông thôn phải cộng điểm vì ít cơ hội tiếp cận kiến thức. Nhưng, bây giờ kiến thức nằm hết trên mạng, trong file máy tính, truy cập phát ra ngay. Ngồi ở Lào Cai vẫn truy cập được giáo trình lẫn các bài giảng từ các giáo sư Harvard qua youtube. Hầu như nước nào cũng đã phải thay đổi chương trình học phổ thông sau khi internet ra đời. Họ chú trọng phương pháp hơn kiến thức. Học sinh chỉ cần nhớ những gì hết sức quan trọng, và PHƯƠNG PHÁP tìm kiếm tài liệu. Vì chữ nghĩa rồi cũng sẽ rụng rơi theo thời gian, kiến thức mới lại bổ sung liên tục, thuyết tiến hoá của Đác Uyn có khi sẽ bị Đác Tèo nào đó chứng minh là sai, hạt nhỏ nhất sẽ là một hạt gì đó nữa trong vũ trụ mà loài người chưa biết,...Đại loại kiến thức sẽ được bổ sung hoặc thay đổi, nên học sinh có phương pháp tìm kiếm thông tin sẽ giúp ích cho các bạn sau này. Làm ngành nghề gì cũng cập nhật được cái mới.

Nên cắt giảm chương trình để các bạn có thời gian đầu tư cho ngoại ngữ, nhất là kỹ năng đọc vì nhiều tri thức nhân loại trên mạng bằng tiếng Anh, chỉ nên bổ sung 2 môn Kinh tế học và môn Đức dục. Còn thời gian cho tụi nó chơi thể thao thể dục cho khỏe mạnh tráng kiện, chứ học chữ chi từ mờ mờ sáng đến 11h đêm mới xong, thời gian đâu để cho nó lớn. Con gái cũng phải cho nó thời gian sửa soạn tí. Con trai cũng phải tập luyện tí cho cơ có bắp. Chứ đứa nào tay chân cũng teo tóp, mắt lồi ra với cặp kính cận vì luyện thi đại học, thấy tội quá. Cháu gái của Tony, 12 năm học sinh xuất sắc (cả trường nó chỉ có 1 đứa học sinh tiên tiến), tính số mol, cos sin, lim log, ô mê ga tê cộng phi thành thạo, thi đại học những 25-26 điểm. Năm 1 vừa vô Sài Gòn thuê nhà trọ, bị bà chủ nhà lừa ngay 500 ngàn tiền đặt cọc, do không ghi biên nhận. Rồi có lần cầm 1 triệu đi đóng tiền học ngoại ngữ, ghé mua ổ bánh mì móc ra chi trả sao đó mà lên trung tâm chỉ còn có 800 ngàn, đứng khóc vang dội…

Lần nào nhìn thấy nó khóc cũng thấy thương. Nước mắt nhòe cả cặp mắt kính cận 5 đi-ốp, lăn dài trên gương mặt toàn mụn bọc xếp thành những vòng tròn nội tiếp. Mặt mũi hốc hác, chỉ còn thấy mỗi cái “nguyên hàm” vì suốt ngày cặm cụi, toán thì “tích phân”, văn thì “phân tích” đến 1-2h khuya.

Chị Tony nói nó phải học để làm vui lòng chị và bà con chòm xóm. Tony nói ủa sao một đứa trẻ phải học cho chòm xóm và gia đình? Học là cho nó chứ, chị gạt phắt đi, em không thấy trạng nguyên học là để đem vinh quy bái tổ về cho làng à? Cả làng theo dõi, nó mà rớt là chị sẽ bị nhục nhã. Còn nói chị đẻ nó ra, chị nuôi nó ăn học, cho nó học gì ở đâu là quyền của chị. Nó mọi giá phải vào ĐH ngành tài chính ngân hàng ở Sài Gòn, ra trường làm văn phòng máy lạnh cho sướng tấm thân. Nó mà rớt năm nay thì chị sẽ nuôi nó ôn thi, 10 năm cũng phải thi, phải đậu.

Nó học trong sợ hãi. Áp lực thì gia đình và cái chòm cái xóm gì đó khiến nó thi thoảng ngủ vẫn hét lên.

Tony rủ nó tốt nghiệp xong, nếu không ngân hàng nào nhận vô làm thì đi bán phân với cậu, tích tiền đặng đi Hàn Quốc hút mụn.

Tony cũng đang nhờ nó phân tích làm thế nào để tích phân, đầu cơ phân bón cho vụ đông xuân tới.

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Agronomy, sự lựa chọn của tương lai

Ngày xưa, chúng ta có 4 đại học nông nghiệp. Nông nghiệp 1 ở Hà Nội, Nông Nghiệp 2 ở Huế, Nông nghiệp 3 ở Thái Nguyên, Nông nghiệp 4 ở Tp HCM.

Bây giờ các trường có đổi tên chút xíu, ví dụ NN 1 thành học viện nông nghiệp Việt Nam, 3 trường kia thành ĐH nông lâm. Nhưng cơ bản vẫn là 4 lò đào tạo tốt nhất cho ngành nông nghiệp với cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trại thực địa...rất tốt. Việc học nông nghiệp không nhất thiết phải ở thành phố lớn, vì rất nhiều người thành đạt trong ngành NN đến từ ĐH Nông nghiệp 2,3 hay khoa Nông nghiệp ĐH Cần Thơ, khoa Nông Lâm ĐH Tây Nguyên, Khoa Nông Lâm ĐH Tây Bắc. Trường nào cũng rất rất tốt.

Hiện tại, chưa thấy ĐH dân lập nào mở khoa nông nghiệp, có lẽ vì sợ sinh viên không theo học. Các trường có thể suy nghĩ lại để mở ngành này, thêm chữ Nông nghiệp tiên tiến chẳng hạn, đầu tư phòng thí nghiệm thật tốt, thuê đất xa xa làm trại thực nghiệm chăn nuôi trồng trọt, có thể đào tạo tại chức hoặc cuối tuần cho một lực lượng tốt nghiệp ngành khác, nay bỗng dưng muốn học nông nghiệp quá nhưng không thể thi lại ba môn toán hoá sinh. Thí sinh đầu tiên sẽ là Tony Tèo.

Các bạn học nông nghiệp, với điều kiện là đam mê khoa học và có ngoại ngữ, thì khả năng thất nghiệp =0. Thất nghiệp không phụ thuộc vào ngành, chỉ phụ thuộc vào người. Cả thế giới đang thiếu nhân lực ngành này trầm trọng, vì người chịu lấm lem bùn đất, đội nắng đội mưa, suốt ngày trên đồng hay trong trang trại, vạch từng con gà con vịt tiêm thuốc, canh nửa đêm thụ tinh nhân tạo lợn, phối giống chó cảnh mèo cảnh,...không nhiều như lực lượng thanh niên trẻ tuổi thích ngồi máy lạnh và gõ máy tính, vì thích an nhàn nên thất nghiệp nhiều, hầu như nước nào cũng có tình trạng này.

Các tập đoàn đang mở hướng về nông nghiệp cao, ví dụ như VinEco của Vingroup chẳng hạn, họ đầu tư 2000 tỷ cho mảng nông nghiệp cung cấp mọi nông sản cho hệ thống Vinmart. Các bạn thực tập sinh nông nghiệp từ Israel về đều được họ ưu tiên nhận vào làm. Chưa kể các nông trại trên khắp thế giới đều có nhu cầu nhận lao động ngành nông nghiệp, tiếng Anh khá chút là xách giỏ ra quốc tế làm ngay, sức lao động bây giờ là hàng hoá xuất khẩu sẽ có giá khác, lương là lương quốc tế. Ví dụ 3 bạn Quyn, Thompson, Jimmy-gia nhân villa de Tony, đều vừa tốt nghiệp ĐH, ở Việt Nam bạn làm nhân viên văn phòng máy lạnh chỉ có 6 triệu/ tháng, tức 200 ngàn/ngày, bạn sang thực tập ở Israel trong 10 tháng, vừa làm vừa học, lương làm thêm của bạn là 1.2 triệu/1 ngày, tức chỉ 5 ngày thôi đã bằng làm 1 tháng ở văn phòng trước kia. Ở Israel còn thấp, làm kỹ sư nông nghiệp ở một số nước lương còn cao hơn, nhưng điều kiện để đi thì không phải bạn trẻ nào cũng có, như là (1) tốt nghiệp ĐH nông nghiệp hoặc sinh học, (2) giỏi ngoại ngữ, (3) sẵn sàng làm lao động tay chân trên sa mạc, nắng nôi không quản ngại. Sau khi trừ tiền ăn, ở, học,..bạn cũng có thể dư được 500-1000 usd/tháng, cái quan trọng là bạn có được cái nghề nông nghiệp trong tay, biết mọi kỹ năng từ tưới nhỏ giọt đến làm đất đến điều chỉnh độ ẩm, thụ phấn cây, bón phân, thu hoạch, đóng gói xuất khẩu...cái này là tài sản vô giá để có thể tự khởi nghiệp những nông trường riêng của mình sau 10 tháng thực tập.

Rồi đây đời sống dân chúng sẽ khá hơn, thú cưng như chó mèo có cả bệnh viện riêng chăm sóc, tiêu chuẩn 5 sao cũng có, học bác sĩ thú y ra rất có triển vọng. Nông sản sẽ phải hữu cơ, sạch, an toàn....

Rất nhiều sinh viên nông lâm ra trường, tiếng Anh chỉ cần IELTS 6.0 thôi, kèm thêm một công trình nghiên cứu trong thời sinh viên hay đứng tên cùng thầy cô mình trong 1 bài báo khoa học công bố trên tạp chí quốc tế uy tín là được học bổng toàn phần đi nước ngoài thạc sĩ tiến sĩ, trong khi ngành kinh tế IELTS 7-8 chấm tìm đỏ con mắt. Các tập đoàn nông nghiệp nước ngoài, các tổ chức như lương nông thế giới FAO, các cơ quan kiểm dịch động thực vật, các công ty giống, phân bón, thuốc sâu, phân phối nông sản,...đều đặt hàng sinh viên giỏi giang ngành nông nghiệp từ năm 3 ĐH.

Học ở đâu không quan trọng, miễn có đam mê, chịu lội bùn lội ruộng, đêm về cày nát mọi giáo trình nông học bằng tiếng Anh, đọc mọi tài liệu trên mạng về chuyên ngành, tham gia làm mọi đề tài khoa học với thầy cô, mày mò sáng tạo ra các công trình ứng dụng cho bà con nông dân....thì con đường vào đời thênh thang, rộng mở.

Tony vẫn ước mơ mình trở lại 18 tuổi để được làm kỹ sư nông nghiệp chuyên về thổ nhưỡng cây trồng, vì yêu thích mùi đất, mùi bùn đến kỳ lạ. Rồi sẽ học thêm cái thạc sĩ hay MBA để quản lý sau khi ra trường, tiếng Anh giỏi thì bỏ cả chục trường Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Úc, ...vô rổ lựa cho đã. Nhưng già quá rồi, chắc về già học trò nào đó lúc đó nó lên hiệu trưởng, nó thương tình mà cấp cho cái bằng gọi là kỹ sư danh dự.

Tony, an agronomist. Honours.

P/S: Học đại học, tức bậc cao cấp của trí thức, mà không có đam mê, không có ngoại ngữ, không có công trình khoa học nào, không có trải nghiệm trong thời gian đi học thì ngành nào ra trường vẫn thất nghiệp. Bây giờ người ta không quan tâm cái bằng nữa, quan tâm trong đầu trí thức ấy có cái gì, đã làm được gì, sẽ làm được gì.

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

4-8

Một đời người, một đời kem

Nhiều bạn trẻ muốn có được đầu óc phóng khoáng và tư duy làm ăn lớn để sở hữu những tập đoàn này nọ, nhưng vẫn bị bệnh toán lớp 1, chỉ nghĩ có vài đồng trước mắt. Lương bên này 5 triệu có chỗ trả 5 triệu rưỡi lập tức nói dối bị bệnh nghỉ ngay để sang đầu quân. Vay mượn vài ba triệu rồi biến mất. Đi mua món hàng, cô bán hàng thối thừa 50 ngàn nhưng ỉm luôn, vội vàng chạy xe đi về trong lòng vui sướng. Bất chấp tối nay, cô bán hàng tội nghiệp kia khóc sưng mắt vì bị chủ trừ lương.

Nhiều bạn còn trẻ nhưng lại bảo thủ, không dám thử cái mới dù chỉ là 1 món ăn khác với mẹ nấu hàng ngày. Không dám đi đâu, thậm chí có bạn nói "đi du học về cũng vậy". Cứ như anh bán kem trong cuốn nhà giả kim, lúc cuối đời mới nhớ là "thời thanh niên mình cũng từng có ước mơ đi đây đi đó, làm cái này cái kia" nhưng ước mơ không thành vì anh đã do dự. Một cây kem giá vốn 5000 đồng, anh bán 10,000 đồng, lãi gấp đôi. Ngày may mắn nhất anh lãi 500 ngàn, max 1 tháng anh được 15 triệu và anh nghĩ đó là một số tiền khổng lồ. Rồi đến lúc chết đi, lời trăn trối cuối cùng là "hôm nay kem bán có hết không, coi chừng chảy nước". Nói rồi nhắm mắt xuôi tay với thùng kem bên cạnh, chép miệng tiếc rẻ vì mọi ước mơ tuổi thanh xuân đã bị mấy đồng lãi từ thùng kem đè bẹp.

Trải nghiệm trong đời ư? Nếu hỏi về nỗi lo lắng mất ăn mất ngủ nhất của anh là gì, anh sẽ chia sẻ đó là những lần bán ế cả thùng kem trị giá 1 triệu đồng, tức 50 USD. Anh không hề biết đó chỉ là tiền thanh toán cho một buổi cà phê của những người dám đi đến Kim Tự Tháp.

Anh không hề biết có những người y chang anh về cấu trúc sinh học cơ thể nhưng hiểu biết n thứ về thế giới Họ làm chỉ vài phút bằng anh bán cả năm trời. Đơn giản là người ta dám đi vượt sa mạc đế đến Kim Tự Tháp tìm kiếm kho báu, còn anh thì ở mãi trong cái comfort zone, safe zone (vùng an toàn sung sướng) của mình. Rồi người ta trải nghiệm, học thêm cái mới, nạp vào cái mới trên đường đi. Như cái máy tinh để bàn, phần cứng màn hình CPU trông bên ngoài y chang như nhau, nhưng dung lượng bộ nhớ và phần mềm khác nhau nên tốc độ xử lý khác nhau, ra kết quả khác nhau.

Vấn đề là nhiều bạn ước mơ thì lớn nhưng không nghĩ lớn, không chịu action, không sẵn sàng format lại toàn bộ để cài phần mềm mới. Không chịu nâng cấp thanh ram lên chạy nhanh hơn, nâng cấp ổ chứa nhiều dữ liệu hơn. Cái gì cũng Vũ Như Cẩn, Nguyễn Y Vân (vẫn như cũ, vẫn y nguyên). Ngôn ngữ phây bây giờ, người ta nói là Cẩn Vũ, Vân Nguyễn.

Có bạn bảo tôi bán kem cả đời có sao, miễn là thú vị, hạnh phúc. Ừ thì cũng có sao, nếu bạn không có ước mơ gì cao xa như đã nói ở đầu bài. Bạn muốn làm chủ những tập đoàn khổng lồ nhưng không chịu từ bỏ tiền lãi bán kem hàng ngày thì mọi ước mơ chỉ mãi là mơ ước.

(bài này các bạn chưa đọc tác phẩm Nhà Giả Kim sẽ khó hiểu hết nội dung truyền tải).