Thành đạt, thành công và thành gì nữa?
Sáng
nay Tony đọc được một bức thư dài của chị Bình, ở Nghệ An. Những dòng
chị viết làm Tony thấy cay xé mắt, được sự đồng ý của chị, Tony xin kể
lại câu chuyện trên.
Chị có một đứa con trai, tên A. Con chị từ
lớp 1 đến lớp 12 chơi thân với B, một cậu hàng xóm, cùng học chung lớp.
Bố B làm sếp cơ quan chị. A và B học rất giỏi, là niềm hãnh diện của
chị và bố B mỗi lần họp phụ huynh hay
tán gẫu ở cơ quan. Chị luôn xem bảng điểm học bạ của 2 đứa, và lúc nào
cũng ép, không được môn nào học dở hơn B và ngược lại, bố B cũng như
vậy. Hai đứa trẻ chơi vô tư, nhưng bố mẹ của chúng thì không.
Vừa nhận được điểm thi đại học mới đây, con chị đỗ, còn B trượt. Chị nói
tự nhiên trong lòng có cảm giác “ con mình thi đậu không vui bằng con
hàng xóm thi rớt”, chị mở tiệc khao rất lớn, mời hết thầy cô bạn học về
nhà. Mặc dù A phản đối gay gắt tiệc khao này nhưng chị đã quyết, và mời
hết cơ quan chị về chơi luôn, đãi 2 suất, trưa và tối. Dĩ nhiên là có
mời B và gia đình nhưng họ không đến.
Chị nói tiệc diễn ra hết
sức xôm tụ tuy con chị không vui. Cơ quan ai cũng chúc tụng chị, ai nấy
hả hê vì bố B vốn là một sếp khó, luôn miệng nói này nói kia trong khi
con mình đã trượt đại học, chẳng ra gì. Chị ra chợ cũng vậy, gặp ai cũng
kể chuyện thằng A chuẩn bị đi lên Hà Nội, mua cái này cái kia cho nó
mang đi. Có lần chị gặp mẹ B cũng ra chợ mua đồ, mẹ B thấy chị liền lấy
nón che mặt. Gặp mẹ B, chị hàng thịt cũng hỏi, chị hàng rau cũng hỏi, dù
biết mười mươi là B đã trượt, chỉ để cho mẹ B đau đớn hơn.
Khi biết tin B trượt, bố B hoảng loạn, khủng bố tinh thần B gần như mỗi
ngày. Bố B lên cơ quan là vô phòng riêng, không nói không cười với ai.
Mẹ B thì đóng cửa, không sang giao lưu với hàng xóm. Trong nhà là tiếng
chì chiết, tiếng khóc than. Chị nói nội ngoại 2 bên cũng sang, mắng B là
đồ vô tích sự, đồ bã đậu, nhục nhã cho dòng họ, và lôi A ra để làm ví
dụ. Chị nói cơn bực tức lên tới đỉnh điểm khi mẹ B bảo mày qua nhà thằng
A “mà đội quần nó”, mấy người cạnh nhà nghe lén rồi sang kể cho chị
nghe.
Chuyện không có gì là ầm ĩ nếu không phải cách đây 2
hôm, B ăn cắp mấy triệu đồng trong nhà, và bỏ nhà đi đâu mất. Bố mẹ B
đang chạy dáo dác đi tìm nhưng vẫn chưa rõ tung tích. Chị tình cờ đọc
được bài viết “cái chết của Chu du” trên TnBS, về thói đố kỵ của người
châu Á và cảm thấy mình có lỗi, nên viết thư kể lại cho Tony nghe.
Tony xin phép thưa với chị như thế này. So sánh chưa bao giờ là phương
pháp tốt trong giáo dục. Người ta chỉ sử dụng kế “ khích tướng” trong
trường hợp rất đặc biệt, nếu không sẽ gây tác hại kinh hoàng. Không ai
được phép làm tổn thương những đứa trẻ mười mấy tuổi như vậy. Giáo dục
với lối so sánh, xếp loại thủ khoa, á khoa, chót bảng thời phong kiến
với lối Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, giờ văn minh rồi, sao vẫn như
xưa?
Trong một lớp 40 bạn, cứ cuối tháng cuối năm, giả sử bạn
A đứng nhất lớp, bạn Z đứng 40/40, thì sẽ gây ra hiện tượng A bị bệnh
chảnh, cảm thấy mình giỏi hơn người, sau này khó thành công, giỏi trong
lớp đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Còn bạn Z cứ bị xếp 40/40, dần dần sẽ mặc
cảm, thấy mình vô dụng và bỏ học. Bạn Tony từ cấp 1, cấp 2, những bạn
bị xếp loại như vậy đều bỏ học ở nhà nửa chừng để đi gánh lúa, vì nghĩ
là mình không học được. Một giáo dục nhân văn phải XOÁ BỎ ngay hình thức
xếp loại này, vì sẽ làm tổn thương các đứa trẻ.
Ở Nhật Bản và
Hàn Quốc, mặc dù rất tiên tiến nhưng giáo dục ở đây vẫn bị ảnh hưởng tư
tưởng hơn thua gay gắt của người phương Đông. Nhiều bạn trẻ Hàn Quốc đã
phải tự tử vì không chịu nổi áp lực so sánh với bạn bè, theo những tiêu
chuẩn thành công gì đó của cha mẹ muốn. Trong khi một đứa trẻ khác nhau
là khác nhau, 7 tỷ dân trên quả đất không ai có y hệt dấu vân tay, y hệt
cấu trúc gen. Đứa có 2 tỷ nơ-ron thần kinh và đứa chỉ có 1 tỷ, đứa cao
đứa thấp, đứa trắng đứa đen. Trời đất đã sinh ra chúng khác nhau, hà cớ
gì chỉ lấy một tiêu chuẩn kiến thức (loài người xưa nay nghĩ ra, hữu
hạn) để xếp loại? Giải nhất quốc gia thì chỉ là đứa thi cử chữ nghĩa
giỏi nhất trong tập hợp mấy triệu học sinh đó, không có ý nghĩa gì với 7
tỷ nhân loại, trừ nó có phát minh cái gì đó đặc biệt. Tương tự nếu bạn
là thủ khoa đại học hay sinh viên trường top ở một quốc gia nào đó, nếu
bạn chưa có đóng góp gì cho văn minh nhân loại thì hãy khiêm tốn cúi
đầu. Thành tích không có ý nghĩa gì. Thành tựu mới là cái đáng trân
trọng. Và thành nhân là mục đích tối thượng của con người.
B
không giải được bài toán đại số nhưng nó có giọng hát thiên phú, nó hoàn
toàn có thể kiếm sống mà không xin xỏ ai. D không hiểu vì sao phải đạo
hàm hay vẽ đồ thị f(x3) nhưng nó có thể chạy 20km không mệt. Thì hãy tôn
trọng từng cá thể, vốn sinh ra công bằng dưới trời đất này. Đừng bao
giờ so sánh chúng với ai, và chúng ta cũng vậy. Giàu, nghèo, thành đạt,
hạnh phúc, …chỉ là những khái niệm ĐỊNH TÍNH, vô tận vô cùng. Tôi có 3
tỷ là giàu nhưng anh kia nói chỉ có 1 trăm triệu là vương giả, năm sau
tôi đạt được mức trên và giàu có bây giờ phải 10 tỷ. Khi mới sinh ra, 1
đứa trẻ biết không tè không ị vô quần là thành đạt. Và đua tranh ganh
ghét người khác cả đời, đến 90 tuổi mới nhận ra thành đạt cũng chỉ là tự
chủ trong tiêu tiểu.
Tôi là Nguyễn văn B, tôi có những giá trị
riêng của tôi, “giá trị Nguyễn Văn B”. Cái câu cửa miệng của nhiều
người “nhìn lên thì không bằng ai, nhìn xuống cũng không ai bằng mình”
là một triết lý nhảm nhí của người châu Á.
Đường mình mình đi, mắc mớ gì cứ nhìn với ngó?
Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015
Thành đạt, thành công và thành gì nữa?
Bài viết liên quan:
1 nhận xét:
Thông thường khi bệnh nhân, đặc biệt đối tượng là người cao tuổi có thể mất răng số lượng nhiều thường chọn lựa hàm tháo lắp để cải thiện chức năng ăn nhai. Có thể giải pháp này tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân tuy nhiên vẫn còn có giới hạn đó là lực nhai vẫn yếu và độ bền chưa cao, răng sứ cercon giá bao nhiêu.
Đăng nhận xét